Đăng Ký Học
Ngày 14/05/2021 09:30:00, lượt xem: 6182
Nhà văn Nguyễn Minh Châu là một trong những tác giả nổi tiếng của làng văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Ông được coi là người “mở đường tài năng và tinh anh nhất”. Trước năm 1975, ông là một cây bút sử thi lãng mạn, viết nhiều về đề tài người lính. Tuy nhiên, sau năm 1980, sáng tác của ông đi sâu vào cảm hứng đời tư thế sự với vấn đề đạo đức, và triết lý nhân sinh. Ông khám phá con người trong cuộc đời mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc, khám phá hạt ngọc ẩn dấu, khuất lấp trong mỗi con người. Tiêu biểu cho những kiếm tìm đề tài và trách nhiệm của người nghệ sĩ là tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, in trong tập truyện cùng tên năm 1987.
Truyện ngắn được ra đời tháng 8/1983, khi cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc qua đi. Đất nước bước vào thời kì mới, thời kỳ độc lập thống nhất. Cuộc sống thời bình với muôn mặt của đời sống, đặt ra nhu cầu nhận thức lại về hiện thực và cuộc sống con người trước đây do hoàn cảnh của chiến tranh chưa được đặt ra. Là một tác phẩm đáp ứng được nhu cầu ấy, ”Chiếc thuyền ngoài xa” đã trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Minh Châu và tiêu biểu cho cảm hứng đời tư thế sự, xu hướng chung của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Truyện ngắn được chia thành ba phần. Phần một: từ đầu cho đến “lưới vó biến mất”. Ở phần này, tác giả đi sâu vào kể về hai phát hiện của nhân vật Phùng. Phần hai: tiếp theo đến “giữa phá” là câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở toàn án huyện. Và phần ba còn lại – tác giả nói về bức ảnh được chọn vào bộ lịch năm ấy.
Tác phẩm mở đầu bằng một bức tranh tuyệt đẹp được người nghệ sĩ Phùng ghi lại vào một buổi sáng mờ sương ở một phá nước miền Trung. Phùng là nghệ sĩ nhiếp ảnh, được cấp trên giao cho chụp một bức ảnh chủ đề thuyền và biển để đăng trong bộ lịch năm ấy. Anh đã đi thực tế tại tại vùng biển miền Trung nơi trước kia đã từng chiến đấu và có người bạn ở đó. Khi đến đây anh bắt gặp một bức tranh tuyệt đẹp đó là hình ảnh của thuyền và biển trong sương sớm. Đây cũng chính là tình huống độc đáo của truyện qua đó ta thấy được nhiều điều trong cuộc sống này. Nhưng sau bức tranh ấy Phùng lại có phát hiện mới.
Trước tiên, truyện ngắn này có một tình huống truyện hết sức độc đáo. Tình huống là vấn đề then chốt đối với truyện ngắn. Nhà văn tìm được tình huống độc đáo sẽ khiến bạn đọc cuốn hút theo câu chuyện. Tình huống chính là tình thế xảy ra câu truyện, khi nhân vật ở trong tình thế ấy sẽ bộc lộ rõ nhất bản chất, tính cách, phẩm chất của con người. Tình thế cũng có thể là bước ngoặt làm thay đổi số phận, nhận thức hoặc có khi bộc lộ ra những cốt lõi sâu thẳm tiềm ẩn trong truyện. Tình huống truyện của "Chiếc thuyền ngoài xa" là tình huống nhận thức, khám phá. Đây là một tình huống bất ngờ và đầy nghịch lý. Tình huống của truyện được thể hiện qua hai phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Tình huống đã giúp Phùng nhận ra được nhiều điều về cuộc sống, con người và nghệ thuật. Cuộc đời vốn chứa đựng nhiều mâu thuẫn, bất ngờ và đầy nghịch lý. Cần đến gần cuộc sống để khám phá sự thực bên trong và chiều sâu bản chất. Cần có cái nhìn đa diện nhiều chiều để hiểu rõ bên trong số phận và tâm hồn con người. Nghệ thuật phải luôn gắn liền với cuộc sống thì mới có ý nghĩa.
Phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng là khung cảnh thiên nhiên hoàn mĩ, đẹp thơ mộng. Người nghệ sĩ phát hiện ra một vẻ đẹp trên mặt biển mờ sương. Đó là cảnh một chiếc thuyền trong buổi sớm mai đang dần tiến vào bờ, cảnh tượng khiến cho người nghệ sĩ cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được chứng kiến một bức tranh tuyệt vời đến như vậy. Nó giống như “một bức tranh mực tàu của một họa sĩ thời cổ”. “Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe …chiếu vào”. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con đang dần tiến vào bờ. Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến màu sắc ánh sáng đều hài hòa với nhau làm nên một vẻ đẹp toàn bích. Tác giả gọi đó là cảnh “đắt” trời cho, vẻ đẹp mà trong cuộc đời diễm phúc lắm may ra bắt gặp được một lần. Nghệ sĩ Phùng tự nhận ra rằng cái đẹp chính là đạo đức. Trước bức tranh mực tàu ấy Phùng cảm thấy bối rối trong tim anh như có cái gì đang bóp chặt lấy. Đó là khoảnh khắc trong ngần của cuộc đời. Người nghệ sĩ cảm thấy tràn ngập niềm hạnh phúc, anh thấy được cảm xúc trong ngần của tâm hồn, cảm nhận được chân - thiện - mĩ của cuộc đời. Anh cảm thấy tâm hồn mình được thanh lọc trở nên trong trẻo và thanh khiết. Thông qua cảm xúc của nhân vật Phùng, tác giả đưa ra quan niệm về cái đẹp. Cái đẹp phải có tác dụng thanh lọc tâm hồn, hướng con người đến cái chân - thiện - mĩ, cái đẹp là đạo đức.
Thế nhưng cảnh càng đẹp bao nhiêu thì thực tế cuộc sống lại đen tối bấy nhiêu. Đó chính là phát hiện thứ hai của Phùng trước khung cảnh tuyệt vời ấy. Hiện thực nghiệt ngã của con người với số phận bất hạnh của những con người nơi đây đặc biệt là người đàn bà hàng chài hiện lên. Bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ ấy là người phụ nữ xấu xí và người đàn ông hung dữ, cặp vợ chồng hiện thân cho sự lam lũ đói khổ. Chính khuôn mặt nét người của họ đã nói lên phần nào cái cuộc sống khổ cực mà họ phải chịu. Người vợ “trạc ngoài 40”, “mặt rỗ”, “thân hình cao lớn thô kệch”, “lưng áo bạc phếch”, “gương mặt lộ rõ sự mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới”… dường như bao nhiêu sương gió nắng mưa của đất trời đã chiếu thẳng vào người đàn bà ấy vậy. Còn người đàn ông thì cũng chẳng hơn gì: “có tấm lưng rộng”, đi chân chữ bát khuôn mặt “độc, dữ”. Cả hai người đều là hiện thân của sự nhọc nhằn, nghèo khó của người dân hàng chài. Một cảnh tượng diễn ra khiến cho nghệ sĩ Phùng không thể nào tin vào mắt mình và cái cảnh đẹp kia bỗng chốc biến thành một hình ảnh vô cùng thậm tệ. Hai con người khổ sở ấy đi vào phía bãi xe tăng hỏng và thật bất ngờ trước cảnh tượng ấy: “Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng … lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két...”. Trong “chiếc thuyền ngoài xa”, một sự thật còn trớ trêu, cay đắng nữa: Cha con lão làng chài coi nhau như kẻ thù “Thằng bé chạy một mạch, sự giận dữ căng thẳng…lập tức nhảy xổ vào cái lão đàn ông... liền rướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực lão đàn ông”. Người nghệ sĩ Phùng như cay đắng nhận thấy những cái ngang trái, bi kịch trong gia đình thuyền chài kia đã là thứ thuốc rửa quái đản làm những thước phim huyền diệu của cái máy ảnh mà anh dày công sáng tạo nghệ thuật bỗng hiện hình một sự thật cuộc sống xót xa. Tấm ảnh về chiếc thuyền thì rất đẹp, nhưng cuộc sống đích thực của gia đình dân chài trên chiếc thuyền ấy chẳng có gì là đẹp. Sự nghịch lí ấy đặt ra vấn đề đối với người nghệ sĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống: “Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối” (Nam Cao). Những giọt nước mắt của người đàn bà hàng chài nhỏ xuống lấp đầy những nốt rỗ chằng chịt kia. Một cảnh tượng nghiệt ngã đối lập với cái cảnh đẹp như ngư phủ của con thuyền.
Với hai phát hiện ấy Phùng chợt nhận ra rằng cuộc đời không đơn giản một chiều mà chứa nhiều nghịch lý ngang trái, mâu thuẫn. Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập, đẹp và xấu thiện và ác. Ở đây nhà văn khẳng định đừng nhầm lẫn hiện tượng với bản chất, hình thức bên ngoài với nội dung bên trong. Khi nhìn nhận đánh giá cuộc đời thì phải có cái nhìn đa chiều nhiều phía.
Nếu truyện ngắn chỉ dừng lại ở đây chắc chắn sẽ không đủ sức hút có thể để lại dư âm trong lòng người đọc. Chính vì thế mà những tâm sự của người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện được viết ra. Sau khi chứng kiến cảnh bạo hành dã man bên chiếc xe tăng hỏng, Phùng đã nói với chánh án Đẩu từng là chiến hữu của anh để nhờ giúp đỡ.Phùng và Đẩu đều có ý tốt mong cho người phụ nữ ấy thoát khỏi người chồng vũ phu. Chính vì vậy người đàn bà hàng chài đã được chánh án Đẩu mời đến tòa án huyện và giải pháp được đưa ra là li hôn với chồng. Người đàn bà hàng chài đến tòa án huyện ban đầu chị tỏ ra rất sợ hãi khép nép sau khi nghe những phân tích và sự giúp đỡ của Đẩu thì chị bỗng bình tĩnh và thay đổi cách xưng hô không còn khép nép nữa mà nói ra những tâm sự những suy nghĩ của bản thân mình. Những lời tâm sự của chị đã khiến người đọc cũng phải ngỡ ngàng. Vẻ đẹp tâm hồn ẩn sâu bởi cái vẻ ngoài xấu xí, của người phụ nữ ấy đã khiến chánh án Đẩu và nhân vật Phùng nhận ra được nhiều điều.
Người đàn bà kể lại cuộc đời mình rằng: Trước kia bà cũng là một người con nhà khá giả, nhưng sau một trận thủy đậu làm cho bà rỗ hết mặt không ai thèm lấy bà. Khi ấy ông chồng của bà lại là người làm vườn. Bố mẹ mất đi người đàn ông ấy đã cứu vớt cuộc đời của bà chính vì thế mà bà bị đánh đập nhưng cũng không nỡ bỏ người chồng đồng thời cũng là ân nhân của mình. Hiện giờ cuộc sống của bà khổ về cả vật chất lẫn tinh thần.
Gia đình bà sống cùng nhau trên một con thuyền nhỏ. Con thuyền ấy vừa là phương tiện kiếm sống lại cũng là ngôi nhà che nắng che mưa. Bà thường xuyên bị đánh đập, ba ngày một trận nhẹ năm ngày một trận nặng. Thế nhưng bà không hề chống lại chồng mình, cam chịu, nhẫn nhục, bà coi một việc bị đánh là một chuyện đương nhiên, thậm chí sợ các con nhìn thấy bà xin chồng đánh khi vào bờ. Khi nghe những lời khuyên của Đẩu và Phùng, biết lòng tốt của họ nhưng bà nhất quyết không bỏ chồng vì người chồng là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của gia đình nhất là khi phong ba bão táp. Người đàn bà cần chồng vì còn phải nuôi những đứa con kia. Và hơn nữa trên thuyền cũng có những lúc gia đình hạnh phúc vui vẻ. Người đàn bà chắt chiu những hạnh phúc nhỏ nhoi đời thường khi nhìn thấy các con được ăn no. Thị nhận lỗi, cho rằng đẻ nhiều con là cái tội của mình. Trong suy nghĩ của Phùng, Đẩu và thằng Phác người đàn ông kia là kẻ thô lỗ, độc ác, dã man đáng lên án. Nhưng với người vợ thấu hiểu và cảm thông, người đàn ông ấy cũng chỉ là nạn nhân, hắn trước kia hiền lành lắm, cũng vì cuộc sống nghèo khổ quá nên mới như vậy. Từ đó cho thấy người đàn bà hàng chài tuy là một người phụ nữ không học hành, xấu xí nhưng lại có một trái tim nhân hậu tiêu biểu cho nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Thị là người chấp nhận hi sinh để sống cho các con, một người vị tha và sâu sắc lẽ đời.
Trước những lẽ ấy thoạt đầu Đẩu và Phùng nghiêm nghị thấy bất bình nhưng về sau thì như vỡ lẽ ra nhiều điều. Phùng từng là người lính chiến đấu giải phóng miền Nam khỏi nanh vuốt quân xâm lược nhưng lại không thể nào giải phóng được số phận của người đàn bà bất hạnh. Qua câu chuyện của người đàn bà, Phùng càng thấm thía: không thể đơn giản trong cái nhìn về cuộc đời và con người. Cuộc sống này không chỉ sống cho riêng mình hay nó vốn là cái mình nhìn thấy trên bề nổi mà nó là phần chìm bên trong câu chuyện kia. Vẻ đẹp của người đàn bà hàng chài đã đem đến cho người đọc một thông điệp, một triết lý. Đó là phải nhìn mọi việc một cách toàn diện. Đó mới là cái giá trị đích thực của cuộc sống này. Từ một người đàn bà nhút nhát sợ hãi người đàn bà trở nên sâu sắc làm cho hai người đành phải để người phụ nữ ấy về với gia đình mình.
Câu chuyện kết thúc khi bức ảnh tuyệt bích được chọn in trong tấm lịch năm ấy và bức tranh còn được treo mãi trong những gia đình sành nghệ thuật. Điều này khẳng định giá trị nghệ thuật của bức tranh. Câu chuyện của người đàn bà hàng chài đã đi sâu vào tiềm thức của Phùng như một trải nghiệm mà mỗi khi nhìn vào bức ảnh anh lại nhớ đến nó. Với anh, khi đứng trước bức ảnh đen trắng lại thấy một màu hồng trong buổi sớm ban mai và nhìn kĩ hơn nữa lại thấy bước ra từ trong tranh là người đàn bà hàng chài lam lũ. Như vậy nếu hiểu bức tranh thuyền và biển kia là hình ảnh của nghệ thuật và người đàn bà hàng chài bước ra từ trong tranh là hình ảnh của cuộc đời thì nghệ thuật và cuộc đời phải gắn liền với nhau. Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống thì cũng phải gắn liền vời cuộc sống. Nghệ thuật phải luôn gắn liền với cuộc sống thì mới có ý nghĩa.
Với cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, mới lạ, mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về cuộc đời, và cách trao ngòi bút cho nhân vật kể chuyện (nhân vật Phùng), “Chiếc thuyền ngoài xa” đã để lại ấn tượng sâu đậm. Thành công của Nguyễn Minh Châu là đã đem đến cho người đọc một tác phẩm đầy tính triết lý và chiêm nghiệm về cuộc đời, con người và cả nghệ thuật. Những triết lý luôn đúng với mọi thời đại.
Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kì đổi mới đã đi sâu khám phá sự thật đời sống, dũng cảm thể hiện những góc khuất của cuộc đời ngay trong chế độ xã hội tốt đẹp của chúng ta. Đúng như lời của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nói: “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” thể hiện một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: Mỗi người trong cõi đời, nhất là người nghệ sĩ, không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận cuộc sống và con người. Cần một cách nhìn đa dạng nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng. Đồng thời tác phẩm in đậm phong cách tự sự – triết lí của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN của Học Văn chị Hiên nhé!
ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan